Đẩy mạnh phát triển xã hội số

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 09), đang được triển khai xây dựng với ba trụ cột: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Trong đó, tỉnh xác định phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Chính vì vậy, việc xây dựng xã hội số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách này, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đang thúc đẩy phát triển xã hội số với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo.

Quyết tâm đạt các mục tiêu 

Trong Nghị quyết 09, đối với xây dựng xã hội số, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các hộ gia đình được sử dụng dịch vụ Internet băng rộng, trong đó hạ tầng mạng cáp quang đến hộ gia đình đạt 95%. Phấn đấu 100% người dân trong độ tuổi lao động có sử dụng điện thoại thông minh; 100% người dân có định danh số và mỗi gia đình đều có địa chỉ số.

Chị Chìu Mãn Múi (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) sử dụng điện thoại thông minh vào các ứng dụng chuyển đổi số.

100% trường học trên địa bàn tỉnh (từ các cấp học phổ thông đến đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề của tỉnh) có nội dung chuyển đổi số trong chương trình giảng dạy, đào tạo. 100% học sinh các cấp có hồ sơ, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử; triển khai tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đưa trên dữ liệu số. 100% người dân được chăm sóc sức khỏe trên nền tảng y tế số. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt 95%.

Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 09, thời gian qua các đơn vị, địa phương, đã đẩy mạnh triển khai với nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số. Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, của cộng đồng doanh nghiệp đã tạo nên những chuyển động tích cực.

Xác định xây dựng xã hội số cần phải có hạ tầng viễn thông, internet để thực hiện các giao dịch, theo đó thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư đường truyền mạng internet tốc độ cao, phủ lõm sóng, mạng internet diện rộng trong nhân dân. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 6.100 trạm phát sóng di động. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn; 100% dân số được phủ sóng mạng thông tin di động. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,8%; số thuê bao điện thoại đạt tỷ lệ 1,3 thuê bao/người. Tỷ lệ dân số được phủ sóng Internet đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng thuê băng rộng cố định đạt 92,84%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13% (cả nước 75,39%). Nhờ đó, hiện nay vùng phủ và tín hiệu sóng di động ổn định, người dân ở xa khu vực trung tâm cũng dễ dàng tiếp cận sử dụng mạng Internet, để liên lạc, học tập, phát triển bản thân và giải trí.

Chị Chìu Mãn Múi (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh để đọc báo, cài đặt định danh điện tử, giao dịch hành chính. “Từ khi có internet và được tổ công nghệ số cộng đồng thôn hướng dẫn cách cài đặt zalo, tôi đã tham gia các nhóm zalo của thôn, cập nhật tin tức từ lãnh đạo thôn, xã và các văn bản của Đảng, Nhà nước, cập nhật các ứng dụng như VNeID”, chị Múi chia sẻ.

Với đường truyền mạng ổn định, cùng với chuyển đổi số cũng đang là “đòn bẩy” quảng bá sản vật, đặc sản, thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng cao. Đơn cử như thông qua mạng xã hội, các fanpage, mô hình du lịch sinh thái tại thác Khe San (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) hiện nay đã được nhiều du khách biết đến. Anh Trần Văn Mạ, quản lý Khu du lịch sinh thái thác Khe San chia sẻ: Từ khi có internet tốc độ cao và Đoàn Thanh niên thôn hướng dẫn chúng tôi lập fanpage để quảng bá, giới thiệu phong cảnh, cũng như các dịch vụ tại thác Khe San, đã giúp thu hút khách đến đây rất nhiều.

Cách làm sáng tạo

Để phát triển xã hội số, các địa phương thời gian qua cũng có cách làm hay và sáng tạo. Đơn cử như phường Yên Giang và xã Cẩm La được TX Quảng Yên chọn thí điểm mô hình “Xã, phường chuyển đổi số”. Sau một thời gian thực hiện, mô hình đạt kết quả bước đầu, từng bước đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Hiện nay phường Yên Giang và xã Cẩm La là 2 đơn vị cấp xã đầu tiên trên toàn tỉnh lắp đặt hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Nhờ có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến này, quy mô mỗi cuộc họp đã được mở rộng, đảm bảo thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

Cán bộ phường Yên Giang (TX Quảng Yên) hướng dẫn người dân quét mã QR tại Nhà văn hóa khu phố 1.

Đồng thời 2 địa phương đã hướng dẫn, khai thác triệt để các phần mềm thuộc hệ thống chính quyền điện tử trong cơ quan nhà nước, giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện ký số văn bản điện tử; sử dụng biên lai điện tử; thí điểm họp trực tuyến từ UBND xã, phường tới các thôn, khu phố; xây dựng từ 3-5 điểm nạp, rút kết hợp thanh toán dịch vụ. 100% các hộ kinh doanh sử dụng QR của các ngân hàng, sẵn sàng thanh toán không dùng tiền mặt.

Để người dân trên địa bàn được thụ hưởng nhiều nhất các tiện ích trong chuyển đổi số, phường Yên Giang và xã Cẩm La đang tích cực phối hợp cùng Viettel Quảng Ninh triển khai hạ tầng công nghệ, ứng dụng số nhằm hướng tới chuyển đổi số toàn diện. 

Trong Nghị quyết 09, phát triển xã hội số với mục tiêu cơ bản đến năm 2025, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh có nội dung chuyển đổi số trong chương trình giảng dạy, đào tạo; 100% học sinh các cấp có hồ sơ, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử... Theo đó ngành giáo dục Quảng Ninh đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện từ trong các trường học. Hiện nay, các trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh đã quan tâm đầu tư ứng dụng các phần cứng, phần mềm CNTT nhằm thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, quản lý học liệu, thi cử theo phương thức hiện đại.

Tiết dạy toán tại lớp học thông minh của Trường THCS Mạo Khê II, TX Đông Triều.

Tiêu biểu như ngành GD&ĐT TX Đông Triều, hiện ngành đang trong lộ trình xây dựng mô hình “Trường học điện tử”, “Lớp học điện tử”, xây dựng hệ thống quản lý giáo dục thông minh trên cơ sở khai thác hiệu quả các phòng học, trường học hiện đại đã được đầu tư… Từ năm 2022, toàn bộ quy trình làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên của 100% trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thị xã đều được thực hiện thông qua hồ sơ, sổ sách điện tử trên các hệ thống Phòng Giáo dục điện tử, SMAS, cơ sở dữ liệu ngành đảm bảo liên thông, đồng bộ. Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục của thị xã thực hiện thanh toán học phí và các khoản dịch vụ khác bằng phương thức không dùng tiền mặt; đăng ký tuyển sinh đầu cấp trên môi trường số. Qua đó, giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh được tiếp cận với công nghệ giáo dục hiện đại.

Nhân viên Viettel cấp chữ ký miễn phí cho người dân tại Trung tâm Hành chính công TX Đông Triều.

Để hình thành công dân số, thời gian qua tỉnh đã xây dựng chức năng ký số trên cổng dịch vụ công tỉnh và phối hợp với các nhà mạng tổ chức triển khai cung cấp miễn phí chữ ký số cho người dân khi đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công các cấp từ ngày 16/4/2023. Năm 2023, các nhà mạng đã cung cấp miễn phí 10.975 chữ ký số (đạt 101% mục tiêu đề ra) cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến.

Quyết tâm “phủ sóng” công dân số

Tại các địa phương trong tỉnh, để người dân được tiếp cận công nghệ số theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực, trong thời gian qua 1.473 Tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố với 11.255 thành viên tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng đang đẩy mạnh tuyên truyền, qua đó đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với mọi người dân.

Đoàn viên thanh niên huyện Ba Chẽ hướng dẫn người dân nộp hồ sơ TTHC trên môi trường mạng.

Đơn cử như các cấp bộ Đoàn huyện Tiên Yên, nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận với dịch vụ công trong giải quyết TTHC, Huyện Đoàn duy trì cử 1 đoàn viên hằng ngày trực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã và Trung tâm Hành chính công huyện vào giờ hành chính để tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Năm 2023 các cấp đoàn của huyện đã hỗ trợ người dân thực hiện 9.200 hồ sơ TTHC.

“Tôi đã được Đoàn thanh niên của xã Hà Lâu lập tài khoản và hướng dẫn nộp hồ sơ qua mạng, giờ đây khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tôi chỉ cần máy tính hoặc điện thoại thông minh là làm được. Điều này giúp cho tôi rất nhiều, tôi không phải di chuyển hơn 15km xuống Trung tâm HCC huyện để làm thủ tục này, do đó giảm thời gian, công sức đi lại". Chị Lý Thị Lan, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên chia sẻ.

Huyện Đoàn còn phối hợp với Công an huyện, các tổ công nghệ số cộng đồng đẩy mạnh hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử… Năm 2023 ĐVTN huyện đã hỗ trợ cài đặt và kích hoạt định danh điện tử mức II cho trên 2.150 tài khoản, 2.500 sổ sức khỏe điện tử; đăng ký mở tài khoản thanh toán điện tử cho trên 100 hộ kinh doanh, trao tặng tấm meka gắn mã QR Code cho 400 hộ kinh doanh tại chợ thị trấn Đầm Hà, chợ Quảng An.

Để phát triển xã hội số, thời gian qua tỉnh đã tổ chức gần 200 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn về chuyển đổi số, xử lý toàn trình trên hệ thống chính quyền điện tử, ký số văn bản điện tử, sử dụng Cổng dịch vụ công tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia và số hóa hồ sơ giải quyết TTHC.

Tổ công nghệ số thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại nhà các tiện ích của chuyển đổi số.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với những đột phá của các công nghệ số, mở ra những cơ hội số của sản xuất thông minh và xã hội thông minh, chuyển đổi số đang mang lại những giá trị hết sức to lớn. Để xã hội số phát triển hơn nữa, cần sự vào cuộc của chính quyền và người dân, góp phần giúp Quảng Ninh trong thời gian tới đạt được lộ trình trong chuyển đổi số như mục tiêu đề ra, tiếp tục có những bước phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội.

Theo Ngọc Trâm/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 15037 Tổng lượt truy cập 94802547